Ông Tập Cận Bình muốn sử dụng vị thế nước chủ nhà G20 để chứng tỏ cho thế giới rằng quan hệ Trung – Nga là tấm gương sáng của ngoại giao tốt, đồng thời tăng vị thế của hai nước trên trường quốc tế.


 Putin là thượng khách tại G20. Ảnh: TASS
Putin là thượng khách tại G20. Ảnh: TASS

Với việc đối xử đặc biệt với Nga so với các nước lớn khác tại G20, Trung Quốc muốn chứng tỏ rằng Nga là một người chơi tích cực và không bị cô lập. Việc này hẳn nhiên cũng nhằm thúc đẩy mối thân tình Trung – Nga.

Hầu hết các nhà quan sát nhất trí rằng Trung Quốc và Nga hiện nay có nhiều lý do hơn trước để thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương nhằm theo đuổi các lợi ích chung.

Họ cho rằng ông Tập Cận Bình muốn sử dụng vị thế nước chủ nhà G20 để chứng tỏ cho thế giới rằng quan hệ Trung – Nga là tấm gương sáng của ngoại giao tốt, đồng thời tăng vị thế của hai nước trên trường quốc tế.

Quan hệ Nga – Trung hiện nay đã được tăng cường gấp ba lần kể từ khi Liên Xô tan rã năm 1991. Một loạt các thay đổi địa chính trị đã góp phần cải thiện quan hệ Moscow – Bắc Kinh trong bối cảnh căng thẳng Trung Quốc và Mỹ gia tăng khi Washington tăng cường can dự an ninh trong khu vực do chính sách “tái cân bằng” của chính quyền Mỹ Obama. Một nhân tố quan trọng khác làm leo thang căng thẳng giữa Nga và phương Tây do Mỹ đứng đầu sau khi Washington và EU áp đặt trừng phạt Nga nhằm phản đối vụ sáp nhập Crimea và cuộc khủng hoảng tại Đông Ukraine.

Kể từ chuyến thăm của ông Putin tới Trung Quốc hồi tháng 6, nhiều diễn biến mới đã khiến hai nước càng xích lại gần nhau hơn. Có thể kể đến căng thẳng gia tăng tại Biển Đông sau phán quyết ngày 12/7 của Tòa Trọng tài tại La Hague (Hà Lan) về vụ kiện của Philippines chống Trung Quốc; rồi kế hoạch Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao thế hệ mới (THAAD) tại Hàn Quốc, mà cả Moscow và Bắc Kinh đều kịch liệt phản đối…

Tuy nhiên, đa số chuyên gia nhận định mối quan hệ này dựa trên chính trị thực dụng, hơn là một liên minh chính trị và chiến lược thực sự giống như liên minh từng được xây dựng sau khi lập nước Trung Quốc năm 1949. Nga cần thị trường và nguồn vốn của Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh đang gắng chịu các lệnh trừng phạt nặng nề của phương Tây, trong khi Trung Quốc thấy Nga là một chỗ dựa về ngoại giao và nguồn cung cấp năng lượng mang tính sống còn. Nói như Benjamin Herscovitch, chuyên gia cấp cao tại Wikistrat (một trung tâm phân tích địa chiến lược và kinh doanh có trụ sở ở Mỹ), quan hệ cặp đôi Nga – Trung là sản phẩm của một cuộc hôn nhân thực dụng hơn là hôn nhân lãng mạn vì tình yêu.

Nga mong đợi gì ở Hàng Châu?

Về kinh tế, bên cạnh thảo luận với Trung Quốc về việc khả năng hợp nhất các dự án Con đường Tơ lụa với Liên minh kinh tế Á – Âu (EEU), Nga còn muốn một liên minh lớn hơn, bao trùm Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), EEU và cả ASEAN. Đây là khái niệm của Nga về một đại khu vực tự do thương mại. Nga và Trung Quốc cũng đã ký kết nhiều thỏa thuận về năng lượng nhân chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Putin.

Về chính trị, một sự kiện quan trọng đối với Nga là một cuộc gặp không chính thức của nhóm Bộ Tứ Normandy (gồm Nga, Đức, Pháp và Ukraine) tại Hàng Châu dịp này, trong bối cảnh bạo lực gia tăng tại khu vực Donbas và nguy cơ khủng bố tại Crimea.

Theo chuyên gia Alexander Baunov tại Trung tâm nghiên cứu Carnegie Moscow, Nga muốn sử dụng những gì đang diễn ra ở Crimea làm cái cớ để đánh giá lại tình hình Ukraine với phương Tây, nhấn mạnh tình trạng mất trật tự và khả năng lãnh đạo của chính quyền Kiev, từ đó xoa dịu cơn giận của phương Tây liên quan đến cuộc can thiệp quân sự của Nga tại Ukraine.

Tiếp đó là các cuộc thảo luận về vấn đề Syria và cuộc chiến toàn cầu chống chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo, mà Nga đang đóng một vai trò ngày càng không thể phủ nhận. Đáng chú ý là nhân dịp này, ông Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan - trong vai trò bạn hữu thay vì kẻ thù - sẽ thảo luận nhiều vấn đề, như tình hình tại Trung Đông cũng như lộ trình hậu chiến tại Syria.

Trong khi Nga thông báo “xoay trục sang phía Đông” nhằm đáp lại sự cô lập ngày càng tăng từ phía châu Âu, Nga vẫn duy trì các lợi ích mạnh tại Lục địa Già.

Hội nghị thượng đỉnh G20 tạo cho Nga một cơ hội đặc biệt để cam kết về ngoại giao với các lãnh đạo châu Âu trong các lĩnh vực kinh tế và an ninh. Quan hệ Nga với Vương quốc Anh - nước từ lâu có quan điểm cứng rắn với Nga trong nhiều vấn đề từ vụ sáp nhập Crimea tới các cáo buộc do thám – đã chứng kiến một “cú hích” sau khi bà Theresa May lên làm Thủ tướng ở “xứ sở sương mù”.

Ông Boris Johnson, người đảm nhiệm cương vị Ngoại trưởng trong chính quyền của bà May, cũng đã kêu gọi “bình thường hóa” quan hệ Anh – Nga. Đáp lại, Nga hy vọng “tăng cường hiểu biết” giữa hai bên. Lãnh đạo hai nước đã gặp nhau bên lề G20 tại Hàng Châu.

Bên cạnh các quan hệ của Nga với các nước châu Âu, khu vực Mỹ Latin cũng nằm trong chương trình nghị sự dày đặc của Tổng thống Nga tại G20. Có 3 nước Mỹ Latin là thành viên  G20 gồm Argentina, Brazil và Mexico. Argentina sẽ đảm nhận cương vị Chủ tịch G20 vào năm 2018.

Có thể nói, Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu giống như một sự khẳng định về sự thất bại hoàn toàn của phương Tây trong chính sách cô lập Nga về chính trị. Chỉ hai năm trước, việc phương Tây cô lập Nga dường như đã đạt đến bước đường cùng, khi Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Australia năm 2014 diễn ra giữa cao trào của cuộc khủng hoảng Ukraine, mà Nga bị cho là “thủ phạm”.

Hội nghị thượng đỉnh tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 2015 đã chứng kiến một sự ấm lên đối với Nga và truyền thông quốc tế đã ghi lại cuộc đối thoại ngoài dự kiến giữa ông Putin và ông Obama bên lề sự kiện này. Đến Hội nghị thượng đỉnh G20 2016, ông Putin đã trở thành thượng khách ở Hàng Châu.

Ngay cả khi hội nghị lần này không dẫn tới các quyết định cụ thể nào liên quan đến Nga, thì đây cũng là dịp để thế giới thấy rằng các đối tác của Nga vẫn coi Moscow là một tác nhân quan trọng không thể thiếu trên trường quốc tế

Nhãn:

Đăng nhận xét

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.